Ngày 18/7/1985, Đại tá Oleg Gordievsky rời khỏi nhà mình ở đại lộ Lenin 109. Ông mặc một bộ đồ thể thao và đi giày thể thao. Ông chạy bộ buổi sáng theo thói quen của mình với trang phục này. Nhưng Gordievsky đã không quay trở lại sau buổi tập chạy – thực tế là ông ta đã biến mất.
Đây là một trong những vụ đào tẩu tai tiếng nhất của tình báo Liên Xô sang phương Tây. Đã làm việc cho MI6 được 11 năm, đặc vụ Ovation (biệt danh của Gordievsky do tình báo Anh đặt) bỏ trốn ra nước ngoài trong bộ dạng có vẻ nực cười như trên.
Kẻ phản bội giấu mình hơn một thập kỷ
Thiếu tướng Yuri Kobaladze, người cùng làm việc với Gordievsky khi còn ở London thừa nhận rằng tình báo Anh đã thực hiện chiến dịch giải cứu đặc vụ của mình một cách hoàn hảo. Viên đại tá mất tích được tìm kiếm khắp cả nước. Giả thiết được đưa ra là ông ta đã đến thăm một trong những người bạn ở nhà nghỉ, nhiều phương án khác nhau đã được xem xét, kể cả việc bị côn đồ tấn công. Do trước khi mất tích, không ai nghĩ ông ta lại là đặc vụ Anh MI.6. Thậm chí KGB không thể tưởng tượng được rằng Gordievsky, một điệp viên với 23 năm kinh nghiệm lại có thể trở thành một kẻ phản bội và bỏ trốn.
Không lâu trước khi mất tích, Gordievsky đã bị giám sát ở Moscow. Đây là một biện pháp phòng ngừa: các nhân viên phản gián muốn đảm bảo rằng Gordievsky mới trở về từ nước Anh đã không thực hiện bất kỳ hành động đáng ngờ nào. Vào ngày ông ta bỏ trốn, các nhân viên giám sát quyết định không theo dõi khi ông chạy bộ. Kết quả là kẻ phản bội đã qua mặt họ.
Sự thật khó nhằn về sự mất tích của Gordievsky chỉ được tiết lộ vào tháng 9/1985, khi Liên Xô nhận được khuyến cáo từ phía Anh nói rằng Oleg Gordievsky đã được tị nạn chính trị ở Anh theo yêu cầu của ông ta và người Anh có ý định trục xuất một loạt các đại diện Liên Xô cùng gia đình họ. Liên Xô được yêu cầu tự triệu hồi những người này về nước để tránh việc phải chính thức tuyên bố đó là những nhân vật không được chào đón và ngăn một vụ scandal.
Không đợi phản hồi từ Liên Xô, người Anh đã trục xuất những nhân viên được Oleg điểm tên. Phản ứng của chính quyền Liên Xô cũng tương tự: 25 người Anh đã bị trục xuất khỏi nước này. Tổng cộng, có khoảng 70 nhân viên thương mại Liên Xô và của các tổ chức quốc tế khác nhau không liên quan đến tình báo đã rời khỏi Vương quốc Anh.
Nhưng thiệt hại do Oleg Gordievsky gây ra không chỉ giới hạn ở vụ trục xuất các nhà tình báo và nhà ngoại giao Liên Xô khỏi Anh với số lượng lớn nhất trong nhiều thập kỷ. Sau này mới vỡ lẽ: Oleg đã cộng tác với tình báo Anh ít nhất là từ năm 1974. Ông ta đã hành động một cách khôn ngoan. Và để bản thân không bị nghi ngờ, ông ta đã giao cho người Anh địa chỉ, mật khẩu và diện mạo chi tiết của nhiều người: đồng nghiệp, các đặc vụ nước ngoài được KGB tuyển dụng hoặc những người có thể đã được tuyển dụng.
Chỉ sau khi Oleg bỏ trốn người ta mới biết rõ ai là người đứng sau các vụ nhiều công dân Liên Xô nhập cư bất hợp pháp ra nước ngoài đã gặp sự cố và không chỉ ở châu Âu. Ví dụ, Oleg đã chỉ điểm khiến điệp viên Liên Xô Alexandr Kozlov bị bắt ở Nam Phi và phải ngồi tù 2 năm trong điều kiện khủng khiếp tại nhà tù của nước này.
Lý do khiến Oleg Gordievsky bỏ chạy sang Anh năm 1985 đã rõ: lo sợ bị lộ. Nhưng điều đáng quan tâm hơn là điều gì là nguồn cơn đã khiến ông ta phản bội?
Oleg Gordievsky sinh năm 1938 trong gia đình một nhân viên NKVD. Anh trai của ông, Vasily cũng là nhà tình báo, làm việc tại Đông Nam Á và qua đời năm 1972 sau khi mắc bệnh viêm gan siêu vi. Oleg học tại MGIMO (Học viện Quan hệ quốc tế Moscow) và trong thời gian học đã sang thực tập tại Đan Mạch. Sau khi tốt nghiệp năm 1962, ông ta đến Lubyanka theo lời giới thiệu và bảo lãnh của cha và anh trai và được đào tạo tại trường tình báo. Từ năm 1963, Oleg làm việc tại PGU (Tổng cục chính yếu số 1) KGB.
Oleg có chuyến công tác đầu tiên tới Đan Mạch vào năm 1966: ông ta đã giúp những người nhập cư bất hợp pháp Liên Xô có được giấy tờ của Đan Mạch. Năm 1970, Oleg trở lại Moscow và tiếp tục làm việc tại Văn phòng trung tâm PGU của KGB. Đến tháng 10/1972, ông lại được cử đến Copenhagen dưới vỏ bọc là tùy viên báo chí của đại sứ quán.
Trong hồi ký của mình, Oleg viết rằng chính trong chuyến công tác này ông bắt đầu tự nguyện hợp tác với tình báo Đan Mạch. Theo phán đoán của ông, khi biết điện thoại của các nhà ngoại giao Liên Xô bị nghe lén, trong cuộc trò chuyện với người vợ đầu tiên dường như như ông đã đặc biệt chỉ trích hệ thống Liên Xô, điều này đã thu hút sự chú ý của bên tuyển dụng.
Oleg đã có bước quyết định hợp tác với tình báo nước ngoài do thất vọng về tình hình chính trị của Liên Xô. Thời điểm bước ngoặt được cho là việc quân đội Liên Xô đưa quân vào Tiệp Khắc năm 1968. Nhiều người đã nghiêm túc đánh giá các chính sách của Liên Xô, trong số đó có không ít sĩ quan của cơ quan tình báo.
Nhưng cũng có một phiên bản khác, theo đó Oleg đã được tuyển dụng vào những năm 60 trong chuyến công tác đầu tiên tới Đan Mạch. Ông ta quyết định đến thăm Thụy Điển, nơi các nhà tình báo bị nghiêm cấm. Tại Thụy Điển, ông ta đã đến thăm một nhà thổ, nơi đang diễn ra cuộc truy quét của cảnh sát. Oleg bị bắt nhưng lại được thả, họ để ông ta được thăng tiến trong sự nghiệp rồi sau đó mới sử dụng.
Dù vậy, vào giữa những năm 70, Oleg đã tích cực cộng tác với tình báo nước ngoài. Năm 1973, ông ta trở thành phó ban thường trú của KGB tại Đan Mạch và năm 1976 là trưởng ban. Cũng tại đây, Oleg lúc đó đã có gia đình lâu năm, đã ngoại tình. Người tình mới là Leyla Aliyeva, thư ký từng làm việc ở Tổ chức Y tế thế giới WHO tại Copenhagen. Chuyện tình lãng mạn của họ phát triển nhanh chóng và không lâu sau Oleg quyết định ly dị vợ. Vào những năm đó, việc ly hôn có thể đặt dấu chấm hết cho sự nghiệp của một nhân viên KGB, nhưng điều đó không ngăn cản được người đàn ông này.
Năm 1978, Oleg được chuyển về Moscow, làm tại văn phòng trung tâm của KGB và 4 năm sau đó được đào tạo để đến cơ quan thường trú Liên Xô ở London. Nhiều nhà tình báo giàu kinh nghiệm hơn muốn đến nơi này, nhưng vì lý do nào đó mà họ không được phép vào Anh. Sau đó mới rõ là họ gặp khó khăn về thị thực bởi Oleg. Người Anh muốn Oleg đứng đầu cơ quan thường trú tại London và họ đã cản đường các đối thủ khác bằng cách từ chối cấp thị thực. Kết quả là ban lãnh đạo buộc phải bổ nhiệm Oleg làm phó ban thường trú vì không có ứng viên nào khác và ông ta đã được đào tạo bài bản.
Chính xác về những gì Oleg truyền đạt cho người Anh vẫn còn là bí mật, điều này sẽ chỉ được biết nếu kho lưu trữ tình báo được giải mật. Đến năm 1985 KGB hiểu rõ rằng, có một “chuột chũi” đang hoạt động tại PGU – một điệp viên bí mật của tình báo đối ngoại đã truyền thông tin mật cho phương Tây. Tuy nhiên, bản thân Oleg lại không bị nghi ngờ.
Không ai biết được điều gì đã diễn ra trong suy nghĩ của kẻ phản bội suốt từng ấy năm: tâm lý căng thẳng, lo sợ thất bại, cân nhắc những phương án để được cứu thoát. Ngày càng có nhiều điệp viên Liên Xô bất hợp pháp bị các cơ quan tình báo nước ngoài theo dõi và buộc phải bỏ trốn hoặc bị bắt. Oleg hiểu rằng cơ quan phản gián Liên Xô đang ngày càng tiến đến gần mình hơn. Mùa xuân năm 1985, Oleg được triệu tập về Moscow. Dù chưa bị KGB nghi ngờ nhưng ông ta vẫn quyết định bỏ trốn.
Một kế hoạch bỏ trốn đã được người Anh cẩn thận vạch ra từ trước đó. Một mảnh giấy hướng dẫn được dán vào bìa một cuốn sách trong nhà của Oleg. Để ra tín hiệu cho người phụ trách hỗ trợ, ông ta phải có mặt vào một thời gian nhất định tại địa điểm quy ước và đứng ở mép vỉa hè gần một cột đèn, cầm trên tay một chiếc túi nhựa. Tín hiệu SOS đã được nhận.
Sau đó, ông ta phải rời khỏi nhà vào một thời điểm nhất định và thoát khỏi sự giám sát ở bên ngoài. Và Oleg đã thực hiện được điều này trong khi chạy bộ buổi sáng. Và ông ta được đón bằng một chiếc ô tô biển số ngoại giao của Anh. Họ cho ông ta vào cốp xe, để lại đó thuốc an thần, bình đựng nước tiểu và một tấm phủ bằng nhôm. Kẻ phản bội phải ở lại trong đó để không bị lính biên phòng tìm ra bằng máy dò hồng ngoại.
Chiếc xe lao tới Vybor gần biên giới Phần Lan. Lính biên phòng không được quyền kiểm tra xe mang biển số ngoại giao, vì vậy Oleg đã đến Phần Lan mà không gặp bất kỳ trở ngại nào, rồi từ đây bay đến London. Cô vợ Leyla và hai con gái của kẻ phản bội vẫn ở lại Moscow. Tình báo Anh đã kiến nghị việc cho phép gia đình ông ta được rời khỏi Liên Xô. Nhưng bởi thực tế phức tạp thời đó, Liên Xô thường không tham gia đàm phán về việc đoàn tụ gia đình của những kẻ tội phạm. Mà Oleg không chỉ là một tên tội phạm, hắn còn là kẻ phản bội Tổ quốc.
Kết cục
Khi có mặt ở Anh, kẻ phản bội đã trả lời phỏng vấn, mua nhà, bắt đầu viết sách bôi nhọ KGB và chế độ cộng sản. Tại Liên Xô, Oleg bị kết án tử hình vắng mặt và bị tịch thu tài sản vì tội phản quốc. Đối với hắn thì việc tịch thu không đáng sợ: tất cả số tiền thù lao nhận được đã được gửi ở các ngân hàng nước ngoài. Chỉ có thể tước đoạt tài sản từ người vợ và các con gái, nhưng điều này cũng không thể, vì Leyla Gordievskaya đã nhanh chóng đệ đơn ly hôn.
Chỉ đến năm 1991, sau khi Liên Xô sụp đổ, vợ và các con gái của Oleg mới được phép rời sang Vương quốc Anh, nhưng cuộc sống chung của họ không suôn sẻ. Leyla đã kiện chồng cũ để đòi bất động sản và thậm chí một phần tiền trợ cấp được chính phủ Anh cấp cho hắn.
Oleg đã chuyển những thông tin có giá trị cho các cơ quan của Anh trong hơn 10 năm. Hắn đã gây thiệt hại rất lớn cho Liên Xô khi để tình báo Anh tiếp cận những tài liệu mật chứa thông tin về các kế hoạch của ban lãnh đạo Liên Xô.
Nước Anh khi đó đã trao tặng Huân chương Thánh Michael cho kẻ phản bội.
Oleg Gordievsky sống ở ngoại ô London, hoàn toàn đơn độc, bị con cái bỏ rơi và từ lâu đã không được bất kỳ cơ quan tình báo nào quan tâm. Rượu vang rẻ tiền và những cuộc phỏng vấn hiếm hoi mà hắn yêu cầu trả phí 50 bảng Anh là tất cả những gì còn lại của kẻ phản bội vào cuối đời. Hắn như quả chanh đã bị phương Tây vắt kiệt rồi vứt bỏ.
Theo: https://antg.cand.com.vn/Ho-so-mat/cai-ket-cua-sieu-chuot-chui-kgb-i726189/