Campuchia, còn được gọi là “đất nước chùa tháp”, nằm ở tây nam bán đảo Đông Dương; phía tây và tây bắc giáp Thái Lan, phía đông giáp Việt Nam, phía đông bắc giáp Lào, phía nam giáp biển. Thủ đô Phnom Penh là thành phố lớn nhất và trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa của Campuchia.
Campuchia có diện tích 181.035 km2, với một nửa là đồng bằng tập trung ở hướng nam và đông nam, còn lại là đồi, núi bao quanh đất nước. Hệ thống sông ngòi của Campuchia tập trung trong các lưu vực chính, như Biển Hồ (Tonlé Sap) và vịnh Thái Lan. Sông Mekong chảy dài từ bắc đến nam đất nước Campuchia.
Campuchia có khí hậu nhiệt đới, với hai mùa rõ rệt là mùa mưa từ tháng 5 đến 10 và mùa khô từ tháng 11 đến 4. Nhiệt độ tại Campuchia dao động từ 210C đến 350C.
Dân số của Campuchia khoảng 16 triệu người, với khoảng 90% là người Khmer và các dân tộc thiểu số. Ngôn ngữ được sử dụng chính thức tại Campuchia là tiếng Khmer.
Phật giáo là quốc đạo tại Campuchia, với khoảng 90% dân số theo đạo Phật. Ngoài ra, người dân Campuchia cũng theo các tôn giáo khác, như Thiên chúa giáo, Hồi giáo…
“Đất nước chùa tháp” nổi tiếng với nhiều ngôi đền cổ kính, như quần thể di tích đền Angkor Wat và Angkor Thom. Thủ đô Phnom Penh cũng có nhiều điểm thu hút khách du lịch, như Hoàng Cung, Chùa Bạc…
Biển Hồ tại Campuchia là hồ nước ngọt lớn nhất Đông Nam Á và đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Vương quốc Campuchia được hình thành như thế nào?
Đầu Công nguyên, ở phía nam bán đảo Đông Dương đã hình thành quốc gia là Phù Nam và sau đó là Chân Lạp.
Đến đầu thế kỷ thứ IX, trên lãnh thổ của Phù Nam và Chân Lạp, Vương quốc Khmer ra đời, lấy kinh đô là Angkor. Từ cuối thế kỷ thứ IX đến thế kỷ XIII, Vương quốc Khmer phát triển cực thịnh. Từ thế kỷ thứ XIII đến đầu thế kỷ thứ XIX, Vương quốc Khmer suy vong.
Vào những năm 60 của thế kỷ 19, thực dân Pháp vào Đông Dương. Năm 1863, Pháp buộc Vua Norodom phải ký Hiệp ước đặt Campuchia dưới sự bảo hộ của Pháp và đến 1884 Campuchia hoàn toàn trở thành thuộc địa của Pháp.
Năm 1941, Norodom Sihanouk sau khi lên ngôi đã vận động cuộc đấu tranh giành lại nền độc lập cho Campuchia. Ngày 9/11/1953, Pháp tuyên bố trao trả độc lập cho Campuchia. Ngày 9/11 được chọn là ngày Quốc khánh của Campuchia.
Tháng 4/1955, Norodom Sihanouk thoái vị, nhường ngôi lại cho cha là Norodom Suramarit và thành lập đảng Cộng đồng xã hội bình dân. Trong cuộc tuyển cử tháng 9/1955, đảng Cộng đồng xã hội bình dân đã giành được thắng lợi lớn, Norodom Sihanouk trở thành Thủ tướng. Năm 1960, Quốc vương Norodom Suramarit qua đời, Norodom Sihanouk được Quốc hội bầu làm Quốc trưởng Campuchia.
Tháng 3/1970, Lon Nol đảo chính, lật đổ Quốc trưởng Norodom Sihanouk và thành lập chế độ Cộng hòa Khmer vào tháng 10/1970. Ngày 17/4/1975, Pol Pot lật đổ chế độ Cộng hòa Khmer, thành lập nước Campuchia dân chủ.
Đài Độc lập ở thủ đô Phnom Penh, Campuchia. (Ảnh: Trường Sơn)
Năm 1978, Mặt trận giải phóng dân tộc Campuchia ra đời do ông Heng Samrin làm Chủ tịch. Ngày 7/1/1979, nhân dân Campuchia lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot, thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Campuchia và năm 1989 đổi thành Nhà nước Campuchia. Ngày 23/10/1991, Hiệp định hòa bình về Campuchia được ký kết tại thủ đô Paris, Pháp.
Tháng 5/1993, tổng tuyển cử lần thứ nhất diễn ra tại Campuchia do cơ quan của Liên hợp quốc tổ chức. Ngày 24/9/1993, Quốc hội mới và Chính phủ liên hiệp của Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) và FUNCINPEC (FUN) được thành lập, lấy tên nước là Vương quốc Campuchia. Norodom Sihanouk lên ngôi Quốc vương lần thứ hai.
Theo: https://special.nhandan.vn/campuchia/index.html