Ngoài cài đặt nhiệt độ thì chế độ quạt gió cũng rất quan trọng, tuy nhiên nhiều người vẫn luôn băn khoăn không biết bật điều hoà nên để gió mạnh hay gió nhẹ.
Điều hoà là thiết bị không thể thiếu của nhiều gia đình hiện nay bởi nó giúp điều hoà không khí, cân bằng nhiệt độ, làm dịu cái nóng hừng hực của mùa hè. Nhưng khi bật điều hoà nên để gió mạnh hay gió nhẹ thì tốt hơn, sử dụng điều hoà như thế nào mới đúng vẫn còn là thắc mắc của nhiều người.
Bật điều hòa để gió mạnh hay gió nhẹ tốt hơn?
Để phòng nhanh mát hơn, ngoài việc cài đặt nhiệt độ thì sử dụng chế độ quạt gió cũng là điều quan trọng. Theo chia sẻ của một thợ sửa điều hoà, gió điều hoà càng mạnh đồng nghĩa với việc hơi lạnh từ chiếc điều hoà được toả ra trong không gian phòng càng nhanh hơn. Sau đó, các cảm biến trên điều hoà sẽ tự động xác định nhiệt độ phòng đã đạt được mức người dùng cài đặt thông qua điều khiển. Khi đó, điều hoà sẽ dần dần giảm công suất và hoạt động chậm lại.
Điều này chứng tỏ sử dụng mức quạt gió trên điều hoà càng mạnh thì càng rút ngắn thời gian đạt tới nhiệt độ cài đặt, như vậy sẽ giúp gia đình tiết kiệm điện năng hiệu quả hơn. Ngược lại, nếu bật quạt gió ở chế độ thấp, gió nhẹ sẽ đưa các khí lạnh từ thiết bị ra ngoài chậm hơn, từ đó sẽ tốn nhiều điện hơn.
Tuy nhiên, việc bật quạt gió điều hòa ở mức lớn sẽ phát ra tiếng ồn lớn, quạt gió mạnh trong thời gian dài cũng làm khô da. Vì vậy nên khi không khí trong phòng đã ở nhiệt độ hợp lý, khí mát đã lan tỏa đều khắp phòng, bạn nên giảm quạt gió.
Bật điều hòa để gió mạnh hay gió nhẹ tốt hơn? (Ảnh minh hoạ: Istock)
Ngoài ra, bạn cần chú ý, khi đang để quạt gió hoạt động mạnh, hãy điều chỉnh hướng quạt gió để không chĩa thẳng vào người để tránh gây hại cho sức khỏe, nhất là với trẻ em hay người dễ ốm đau.
Bật điều hòa để gió mạnh hay gió nhẹ tốt hơn, điều này tùy thuộc vào từng thời điểm, cần có sự điều chỉnh, thay đổi cho phù hợp.
Bật điều hòa bao nhiêu độ là hợp lý?
Theo các chuyên gia, chỉ nên bật điều hòa trong những ngày nắng nóng đỉnh điểm, khi nhiệt độ ngoài trời ở ngưỡng trên 35 độ C. Chênh lệch nhiệt độ trong phòng điều hòa và ngoài trời nên ở mức tối đa là 6-10 độ C để đảm bảo sức khỏe cho người sử dụng.
Người dùng nên cài đặt nhiệt độ điều hòa ở ngưỡng 24-27 độ C, vừa duy trì bầu không khí thoải mái, vừa tốt cho sức khỏe.
Vào những ngày nắng nóng đỉnh điểm, khi nhiệt độ ngoài trường lên tới 40 độ C, nếu áp dụng nguyên tắc chênh lệch tối đa 8 độ C thì chắc chắn không đủ mát. Vì vậy, vào những ngày thời tiết nắng nóng đỉnh điểm, bạn có thể để điều hoà ở mức 26 – 28 độ C và sử dụng thêm quạt để làm mát phòng.
Lưu ý, dù trời có nắng nóng gay gắt, bạn cũng không nên để nhiệt độ điều hoà quá thấp trong thời gian dài vì sẽ làm hại máy, tiêu hao nhiều điện năng và ảnh hưởng không tốt tới sức khoẻ như gây sốc nhiệt, cảm…
Một số chế độ giúp tiết kiệm điện của máy điều hòa
Ngoài quạt gió, bạn cũng có thể tham khảo những chế độ khác của điều hoà để sử dụng thiết bị này hiệu quả và tiết kiệm:
Chế độ Sleep hay chế độ ngủ đêm giúp điều hoà tiết kiệm điện khi hoạt động trong thời gian dài vào ban đêm và bảo vệ sức khoẻ của người sử dụng
Chế độ hẹn giờ cho phép người dùng quản lý thời gian hoạt động của điều hoà. Bạn có thể thiết lập khoảng thời gian bật điều hoà như mong muốn. Sau khi đủ thời gian hoạt động theo cài đặt, máy sẽ tự tắt.
Chế độ chỉ dùng quạt: Với chế độ này, chiếc điều hoà của bạn chỉ sử dụng công suất và điện năng để chạy riêng bộ phận quạt gió. Tuy tiết kiệm hơn nhưng chế độ “Fan Only” chỉ phù hợp sử dụng vào những ngày có thời tiết mát mẻ, se lạnh mà bạn vẫn muốn bật điều hoà cho thoáng phòng.
Chế độ tiết kiệm năng lượng: Khi khởi động chế độ này, máy nén của điều hoà sẽ tự động thiết lập tất cả các hoạt động của nó về chế độ tiết kiệm kiệm nhất. Dù tiết kiệm song nó vẫn phải đảm bảo việc hoạt động của thiết bị được hiệu quả và phục vụ tốt nhu cầu của người dùng.