GS. TS Vũ Trọng Hồng tiết lộ ‘điều cần làm’ từ dự án kênh đào Funan Techo

Từ dự án kênh đào Funan Techo cho thấy Việt Nam đang có ‘lỗ hổng’ về chiến lược và chiến thuật trong sử dụng nguồn nước.

Phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc phỏng vấn với GS.TS Vũ Trọng Hồng – Nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam – chuyên gia lâu năm trong lĩnh vực xây đập trên sông về dự án kênh đào Funan Techo.

Phóng viên (PV): Thưa ông, thời gian gần đây, thông tin về dự án kênh đào Funan Techo được nhắc đến nhiều, là chuyên gia trong lĩnh vực hồ đập thủy lợi, ông đánh giá như thế nào về việc này?

GS.TS Vũ Trọng Hồng: Hiện nhiều thông tin cho rằng, Dự án kênh đào Funan Techo (hay còn gọi là dự án kênh đào Phù Nam – Techo) của Campuchia có thể sẽ ảnh hưởng đến dòng chảy về sông Tiền, sông Hậu, điều này đồng nghĩa với việc đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị mất đi một lượng nước nhất định. Đây là điểm rất mới mà chúng ta phải xem xét. Tuy nhiên, cùng với việc nhờ tiếng nói của Ủy hội sông Mê Kông quốc tế, tôi cho rằng Việt Nam phải có giải pháp tích cực cho chính mình.

Sơ đồ kênh đào Phù Nam - Techo của Campuchia. Ảnh: Ủy ban sông Mê Công Việt Nam
Sơ đồ kênh đào Phù Nam – Techo của Campuchia. Ảnh: Ủy ban sông Mê Công Việt Nam

Dự án kênh đào Funan Techo được Campuchia xây dựng với lý do lấy nước tưới. Tại Campuchia, những đồng lúa rất rộng, nên việc họ lấy nước tưới là đương nhiên. Chúng ta cứ nghĩ rằng đây là cách họ cắt nước sông Hậu, sông Tiền nhưng việc này không phải như vậy. Bởi bản thân ngay trong nước mình, có lúc chúng ta cũng phải lấy nước trên sông mà con sông này lại chảy vòng sang phía Campuchia.

Theo quy luật của thủy văn, đến nay, thế giới chưa công bố gì mới, điều này đồng nghĩa mùa mưa tại đồng bằng sông Cửu Long, lượng nước vẫn rất lớn, phải trên 3.000 m3/s.

Trong bối cảnh thế giới hiện nay, Việt Nam buộc phải có chiến lược thay đổi về vấn đề sử dụng nước. Tôi đặt tình huống “Chẳng hạn nếu nước sông Mê Kông không về thì Việt Nam sẽ tưới bằng cách nào?”.

Trước đây, cũng đã có ý kiến đưa ra đó là phải thuận thiên, có nghĩa là canh tác mùa mưa. Tuy nhiên, nông dân Việt Nam vẫn canh tác theo thói quen. Bởi họ cho rằng chính mùa thiếu nước (mùa khô) việc canh tác sẽ giúp họ bán được giá lúa gạo cao hơn mùa mưa – nơi chỗ nào cũng sản xuất được.

Đây là cách tư duy của người dân. Nhưng về phía Chính phủ, hiện vẫn chưa có một chủ trương nào để đề phòng tình huống nếu như nước sông Hậu, sông Tiền bị giảm đi hoặc thậm chí không có.

Tôi cho rằng, đây là một điểm yếu của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Hiện nay, Bộ này mới chủ yếu lo vấn đề về sinh thái, và còn thiếu chiến lược, chiến thuật về vấn đề giữ nước.

Bộ Thủy lợi không còn. Nay chỉ còn Cục Thủy lợi thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường là đơn vị quản lý tất cả các dòng sông.

Vì vậy, đã đến lúc, Chính phủ cần xem xét chức năng của Bộ Tài nguyên và Môi trường để họ phải giải quyết vấn đề này. Chúng ta không thể dùng quốc tế để họp hành, bàn bạc về nguồn nước cho chúng ta. Bởi sông Mê Kông đã cấp nước cho Việt Nam bao nhiêu năm nay, chúng ta cũng đã phát triển được. Nhưng vì sao đến nay chúng ta không có chiến lược, chiến thuật trong việc sử dụng nước trong đất liền trước khi lấy nguồn nước quốc tế, trong khi nhiều nước cũng đang cần. Sông Mê Kông không phải là cạn, vẫn còn nước nhưng không đủ cho chúng ta, thì chúng ta phải sử dụng nguồn nước trong nước. Đặc biệt là mùa mưa.

Tôi rất ủng hộ việc tích trữ nước mùa mưa. Bởi tôi đã ở miền Nam nhiều năm, vào mùa mưa khu vực này thừa nước và toàn chảy ra biển. Hầu như ở khu vực này cũng không đặt vấn đề làm những hồ lớn để trữ nước, trong khi cánh đồng nào cũng là canh tác lúa. Do đó, đã đến lúc chúng ta cũng cần làm quy hoạch, chẳng hạn, trong bao nhiêu hecta thì sẽ có một hồ chứa nước. Việc này hoàn toàn thiếu.

PV: Ngày 8/8/2023, Campuchia gửi thông báo cho Ban thư kí Ủy hội sông Mê Kông quốc tế (MRC) về Dự án đường thủy nội địa Funan Techo, trong đó, có thông số lưu lượng lớn nhất bình quân ngày qua âu là 3,6 m³/s, ông bình luận gì về con số này?

GS.TS Vũ Trọng Hồng: Về con số Dự án đường thủy nội địa Funan Techo với lưu lượng lớn nhất bình quân ngày qua âu là 3,6 m³/s, đây là con số không lớn. Bởi lũ của chúng ta còn lên tới hàng vạn m3/s. Nhưng cũng có thể con số này đưa ra chỉ là bước đầu họ triển khai để các nước liên quan yên tâm. Tuy nhiên, rất có thể, dần dần con số này sẽ được họ điều chỉnh tăng lên.

GS. TS Vũ Trọng Hồng - Nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam
GS. TS Vũ Trọng Hồng – Nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam

Do đó, về lâu dài, Việt Nam vẫn phải có một chiến lược sử dụng nước. Sử dụng nước tự nhiên chúng ta sẽ không dùng chữ thuận thiên nữa. Cũng có nhiều ý kiến phê phán chữ thuận thiên. Tuy nhiên, tôi cho rằng, thuận thiên là đúng nhưng chưa đủ.

Hiện nhiều hồ lớn chủ yếu là phát điện. Hồ thủy lợi số lượng không nhiều và nhỏ. Trong miền Nam, Hồ Dầu Tiếng là lớn nhất. Do đó, đã đến lúc tại đồng bằng sông Cửu Long cần làm hồ chứa ngay trên cánh đồng vùng đó.

Việc này không từ lý do dự án kênh đào Funan Techo. Nguyên nhân quan trọng hơn là chúng ta đang bị nước biển dâng. Việc xây dựng hồ chứa nước để phòng trường hợp nếu trong hàng trăm năm tới, khi bị ngập đến đồng bằng sông Cửu Long thì chúng ta vẫn sản xuất và canh tác được.

Chúng ta cần học Hà lan. Bởi Hà Lan là quốc gia có mực nước thấp hơn mực nước biển nhưng họ vẫn phát triển được. Tôi đã từng sang Hà Lan khảo sát, bên cạnh những hồ nước mặn họ có những hồ nước ngọt, và 2 bên họ dùng phương pháp luân chuyển, bao giờ hồ chứa nước ngọt cũng ở trên cao và nước mặn ở phía dưới thấp. Họ chuyển nước ngọt xuống nước mặn và pha lại thành nước lợ, nước lợ này nuôi thủy sản là dễ nhất.

Trong trồng lúa, độ mặn cứ dưới 4 phần nghìn là sống được. Việt Nam cần xem lại chiến lược của mình về vấn đề sử dụng nước.

Trước đây chúng ta dựa vào Ủy Hội sông Mê Kông quốc tế, tuy nhiên, nhiều nước không vào Ủy Hội sông Mê Kông quốc tế nữa, nếu trường hợp này thì chúng ta cũng cần có cách giải pháp riêng của mình.

Trong lưu vực sông Mê Kông, Việt Nam và Campuchia đều nằm ở hạ nguồn, đã và đang chịu tác động mạnh mẽ bởi sự phát triển nông nghiệp và thủy điện ở thượng nguồn. Các tác động bất lợi mà cả 2 nước cùng đều phải đối mặt đó là lũ giảm; mất phù sa; gia tăng xói lở; giảm nguồn lợi thủy sản và đặc biệt dòng chảy kiệt trái quy luật làm xâm nhập mặn khó lường.

Xét về vị trí địa lý, Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam nằm ở hạ lưu của Campuchia nên trong trường hợp này Campuchia được coi là thượng lưu của Việt Nam. Ngược lại, ở khu vực Tây Nguyên của Việt Nam, nước theo các sông Sê San và Srê Pok lại chảy qua Campuchia trước khi về đồng bằng sông Cửu Long, vì vậy trong trường hợp này Việt Nam lại là thượng lưu của Campuchia.

Nước ở cuối nguồn bao giờ cùng bị thiệt thòi. Thiên nhiên cũng bắt đầu khô hạn nhiều. Do đó, Việt Nam cần có chiến lược thuận với thời tiết, chung sống cùng với các nước và phải đặt vấn đề tiết kiệm nước.

Hiện nay, việc tiết kiệm nước của chúng ra gần như ít đặt ra, người nông dân muốn dùng như thế nào thì dùng, chỗ thì nuôi cá, chỗ trồng lúa mà không đặt vấn đề tiết kiệm nguồn nước. Bởi ngay Luật Tài nguyên nước cũng không đề cập đến vấn đề này mà mới nói chung chung là tưới ít nước.

Tuy nhiên, chúng ta phải có một chiến lược chứ không chỉ dừng ở 1 câu nói này. Chiến lược cụ thể là gì? Chúng ta hỗ trợ người dân kinh phí như thế nào trong tiết kiệm nước?

PV: Như ông vừa nói, chúng ta cần có cả chiến lược và chiến thuật trong việc sử dụng nguồn nước để không bị động trong mọi tình huống, vai trò của Bộ Tài nguyên và Môi trường với việc này như thế nào, thưa ông?

GS.TS Vũ Trọng Hồng: Theo tôi, vai trò của Bộ Tài nguyên và Môi trường về chức năng của họ quản lý các dòng sông và như vậy đồng nghĩa với việc họ quản lý nguồn nước. Nhưng hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường vẫn thiên về môi sinh, môi trường, hệ sinh thái, ô nhiễm.

 vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long
Vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long

Quản lý nguồn nước có nghĩa là trong đó phải tiết kiệm nước, sử dụng nguồn nước theo thời tiết, trữ nước trong bối cảnh lúc nước nhiều. Hiện, Luật Thủy lợi chỉ đề ra giải pháp, còn chiến lược về quản lý nguồn nước trên toàn quốc thì phải do Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Ngay như bây giờ, các dòng sông tại miền Bắc bị cạn kiệt vì nhiều lý do. Có những dòng sông cạn kiệt không phải vì thiếu nước mà do bị khai thác cát quá nhiều khiến lòng sông bị tụt xuống. Việc này cũng trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Tôi xin nhắc lại, trước đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường thiên về quản lý vấn đề môi sinh, môi trường, còn Bộ Thủy lợi thì thiên về quản lý nguồn nước. Nay Bộ Thủy lợi không còn và vấn đề này thuộc chức năng quản lý của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Hiện Luật Thủy lợi ra đời nhưng không quản lý các dòng sông, họ chỉ đưa ra giải pháp trong lưu vực của mình. Nhưng bản thân dòng sông là quan trọng lại không có ban quản lý lưu vực sông thì làm sao có thể đưa ra giải pháp tối ưu.

Rõ ràng, chúng ta cần những chiến lược tổng thể, lâu dài và liên quan đến tất cả các nguồn nước của lưu vực các sông bên ngoài Việt Nam.

Như vậy, khi xảy ra vấn đề thì chúng ta mới có thể ứng phó. Hiện tình thế xã hội thay đổi, quan hệ thế giới thay đổi, do đó, chúng ta phải giải quyết vấn đề của chính mình cùng với việc có kiến nghị lên Ủy hội sông Mê Kông quốc tế khi cần thiết. Trong đó, Chính phủ cần phải giao nhiệm vụ này trực tiếp cho Bộ chủ quản mà ở đây là Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Xin cám ơn ông!

Ngày 8/8/2023, Campuchia gửi thông báo cho Ban thư kí Ủy hội sông Mê Kông quốc tế về Dự án đường thủy nội địa Funan Techo. Theo đó, dự án kênh đào Funan – Techo nối sông Bassac ra cảng Kep của Campuchia. Một số thông tin về tuyến kênh chiều dài 180km, chiều rộng 50m, chiều sâu 4,7m. Dự án có 3 âu kiểm soát mực nước và lưu lượng tuyến giao thông, các cống này có chiều dài 13 m, chiều rộng 18m, độ sâu 5,8 m; lưu lượng lớn nhất bình quân ngày qua âu là 3,6 m³/s.

Dự kiến dự án sẽ được phía Campuchia khởi công trong năm 2024 và hoàn thành vào năm 2027 với tổng lượng hàng hóa lưu thông qua tuyến đường thủy mới này là 7 triệu tấn/năm.

 

Theo: https://congthuong.vn/gs-ts-vu-trong-hong-tiet-lo-dieu-can-lam-tu-du-an-kenh-dao-funan-techo-317885.html